Home / MÔN VÕ TÔI YÊU / Tuyển quyền taekwondo: “tập chay” săn vàng

Tuyển quyền taekwondo: “tập chay” săn vàng

Quá nhiều điều thách thức cho các VĐV đội tuyển quyền taekwondo khi sự đầu tư của ngành thể thao tỷ lệ nghịch với thành tích mà đội giành được những năm qua. Sau giải đấu này họ tập trung chuẩn bị lực lượng cho Asiad 2018 khi nội dung quyền có cơ hội lớn được góp mặt, vậy mà dường như sự quan tâm của ngành thể thao với họ còn quá sơ sài.

 

Ông Mai Bá Hùng – Phó giám đốc Sở Thể thao TPHCM động viên đ ội tuyển quyền 

Chuẩn bị đi Peru tham dự Giải vô địch quyền Taekwondo thế giới lần thứ 10 thế nhưng với đội tuyển quyền còn nhiều mối lo dẫu được lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TPHCM – ông Mai Bá Hùng –Phó giám đốc Sở và Chủ tịch Liên đoàn taekwondo Việt Nam – ông Trương Ngọc Để đến dặn dò, động viên.

Các giải trước, Hàn Quốc chỉ tham dự các một số nội dung cá nhân (khoảng 10 nội dung) và giành HCV. Như vậy hơn 50 nước tham dự còn lại chỉ còn lại 6 nội để tranh chấp HCV là đồng đội và đôi nam nữ. Sau đó từ năm 2011 tăng thêm 4 nội dung quyền sáng tạo nên các nước có cơ hội thêm để tranh chấp huy chương vàng. Cách đây 2 năm, WTF đưa vào thêm lứa tuổi cadet và quyền sáng tạo dưới 17 tuổi để mở rộng lên gần 40 nội dung thi đấu. Tuy nhiên, do có thể thua ở những nội dung cá nhân lứa tuổi lớn và để chuẩn bị cho Asiad 2018, Hàn Quốc tham dự luôn cả nội dung quyền tiêu chuẩn đôi nam nữ. Từ đó, các nước mất đi cơ hội tranh chấp HCV ở 4 nội dung cho 4 lứa tuổi: cadet, trẻ, dưới 30 tuổi và trên 30 tuổi.

 

Ông Trương Ngọc Để – Chủ tịch Liên đoàn taekwondo Việt Nam động viên các VĐV

Tại giải lần này Việt Nam tham dự với số lượng VĐV đông nhất: TPHCM 17, Hà Nội: 5, An Giang: 3, Bình Thuận 2, Vĩnh Long: 1, Quân Đội 1, Đoàn VN tham dự đủ 15 nội dung quyền tiêu chuẩn và 8 nội dung quyền sáng tạo ở các lứa tuổi dưới 30 tuổi: cadet, trẻ và vô địch dưới 30 tuổi. Việt Nam tập trung chủ yếu tham dự các nội dung dưới 30 tuổi, có 2 VĐV hoàn toàn có thể tranh chấp huy chương bạc và đồng ở lứa tuổi dưới 40 như Nguyễn Thị Huyền Diệu, Nguyễn Quốc Minh, nhưng kinh phí hạn chế nên không tham dự được. Đoàn phấn đấu giữ vững thành tích 2-3 HCV xếp top 5 toàn đoàn, đặt biệt là đứng nhất nội dung thi quyền sáng tạo.

Trong 5 năm gần đây, WTF liên tục mở rộng thêm các đối tượng (thêm cadet) và nội dung tham dự (quyền sáng tạo). Bên cạnh đó, họ thay đổi phương thức chấm quyền với mục đích tạo thêm cơ hội cho nhiều nước tham dự và thu hút khán giả quan tâm đến nội dung thi kỹ thuật để từng bước đưa nội dung thi quyền vào các đại hội thể thao châu lục (châu Âu và châu Á (ASIAD 2018 indonesia)) và tiếp tục đưa nội dung thi quyền vào Olympic. Các VĐV Việt Nam ngày càng tốt hơn, thích ứng nhanh với những thay đổi vì liên tục bám sát các định hướng và những kỹ thuật mới của WTF. Đặc biệt là quyền sáng tạo, Việt Nam 5 năm liền đứng nhất toàn đoàn ở nội dung này. Tuy nhiên, sân chơi ở các giải vô địch sẽ hoàn toàn khác với Đại hội thể thao. Hiện nay, các nước đã đầu tư “mạnh” để chuẩn bị cho ASIAD 2018. Trong khu vực mấy năm qua các nước cũng đều có sự chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ SEA Games.  Ở khóa học bài quyền mới vừa qua, 11 nước của Đông Nam Á đều tham dự. Đối với châu lục các nước mạnh về quyền đều cử lực lượng VĐV tốt đến để nắm bắt cái mới: Iran, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan….

 

   Ông Mai Bá Hùng chụp ảnh cùng các thành viên đội tuyển tham dự giải quyền taekwondo vô địch thế giới. 

  Ông Trương Ngọc Để – Chủ tịch Liên đoàn taekwondo Việt Nam chụp ảnh cùng các thành viên đội tuyển tham dự giải quyền taekwondo vô địch thế giới.

Theo HLV trưởng đội tuyển quyền taekwondo Việt Nam: “Với taekwondo Việt Nam hiện nay, việc đầu tư cho nội dung quyền chưa thực sự được Tổng cục TDTT quan tâm đúng mực khi không có đi tập huấn nước ngoài. Trước các giải đấu, đội tuyển chỉ tập trung 2 tháng. Vì thế, đội tuyển phải tự bươn chải để cập nhật chuyên môn. Bên cạnh đó, các địa phương phải tự lo cho các VĐV của mình dù hướng đến mục tiêu nhiệm vụ quốc gia. Sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM, Hà Nội và các tỉnh trong việc đầu tư cho VĐV của đơn vị mình tập luyện thường xuyên và cử đi thi đấu bằng nguồn kinh phí của địa phương. Chính nhờ sự quan tâm, đầu tư đó đội mới được tập luyện thường xuyên. Bởi khi không được triệu tập đội tuyển quốc gia, các VĐV trở về địa phương thì sẽ không thể có thành tích vì thế mạnh của Việt Nam chủ yếu ở nội dung đồng đội. Tuy nhiên, chỉ với nguồn kinh phí từ địa phương sẽ rất khó khăn trong việc xoay sở để “sống” và tập ở TPHCM với chi phí đắt đỏ.

Hiện nay và trong thời gian tới, đội tuyển tiếp tục tập luyện trong sự chờ đợi quyết định chính thức tham dự ASIAD mới được hưởng chế độ (400.000 đồng/ngày). Dẫu các VĐV nỗ lực tập luyện đem lại kết quả tốt và ngày càng tiến bộ, nhưng với sự đầu tư như hiện nay rất khó có thành tích cao ở các kỳ đại hội sắp tới”.

Giang Lê

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *