Theo quan niệm võ thuật truyền thống: Quyền là linh hồn của môn phái. Bài quyền là hiện thân của các chiêu thức chiến đấu. Bài quyền càng cao thâm phong phú bao nhiêu thì chiêu thức chiến đấu càng uyên áo đa dạng bấy nhiêu. Bài quyền và chiến đấu như hai mặt của bàn tay, nếu lưng bàn tay là quyền thì lòng bàn tay là chiến đấu và ngược lại, nhưng cả hai là một, đó là võ thuật. Khi diễn quyền phải thể hiện được tính chiến đấu thực tế, tinh thần tập trung, có sức mạnh và năng lực. Bài quyền không phải là một điệu múa vũ trường cũng không phải là sự ráp nối của một số động tác trình diễn tính sân khấu.
Theo triết học Đông phương, đặc biệt là triết học Phật giáo, từ quan niệm ”Nhất điểm phát vạn thù, vạn thù quy nhất điểm”, nên vị trí khởi hành và kết thúc của những bài quyền truyền thống cùng chung một điểm. Muốn tập bài quyền đúng mức, thể nhập bài quyền vào thân tâm, trước hết phải bình tâm không nôn nóng, vội vàng trước nhiều kỹ thuật, chiêu thức. Hãy bắt đầu bài quyền bằng tinh thần điềm đạm, từ tốn, khiêm cung. Tập từ cái đơn giản, bình thường, tập từng thế một, lặp đi lặp lại nhiều lần, đưa dần kỹ thuật lên mức cao nhất. Chỉ khi thuần thục thế này mới chuyển sang tập thế khác, tập đầy đủ các thế ấn định của bài quyền rồi mới kết hợp lại. Ban đầu cũng còn phải đánh chậm, sau mới dần dần đánh nhanh, mạnh, thoải mái, không gò bó.
Tập bài quyền đúng là tập đủ các pháp cơ bản trong võ thuật, vì bài quyền đích thực kết hợp các phần của tấn pháp, bộ pháp, thân pháp, thủ pháp, cước pháp… Trong diễn luyện còn phải thể hiện được thần lực của nhãn pháp, nội lực của khí pháp, sự an nhiên tự tại của tâm pháp, cùng nhịp điệu, tiết tấu, độ cương nhu của chiêu thức trong bài quyền cùng với nghệ thuật dung hòa cái đẹp trong uy lực dụng võ.
Cơ sở quan trọng nhất của người tập võ là luyện quyền, luyện quyền gắn với luyện công. Tập quyền càng lâu công lực càng thâm hậu, phát huy đặc thù của quyền và sự ảo diệu của đòn thế. Người xưa nói: “Luyện quyến bất luyện công, đáo lão nhất trường không”. Luyện một bài quyền tay không hay binh khí là tự đặt mình trong thế trận chiến đấu với đối thủ vô hình, do vậy cần thể hiện công phu, nghệ thuật, theo lộ đồ chiến thuật, đấu pháp công, thủ, phản, biến như trận đấu thật sự mới làm nổi bật được tính đặc thù của võ.
Ở trình độ cao, người luyện quyền có thể hòa mình vào cảnh vật với thiên nhiên. Sách chép rằng một hôm Minh Tông Đại sư đang luyện bài Mê Tông La Hán Quyền trong lúc ngoài sân chùa những cánh hoa mai rơi rụng trước cơn gió tàn đông. Nhập vào cảnh sắc ấy, tuy chân vẫn bước theo bộ vị mà tâm hồn hòa theo cùng những cánh hoa mai, mỗi động tác tay như một cánh hoa rơi uyển chuyển trước gió, giúp Đại sư khám phá ra sự ảo diệu của các thế võ mà hình thành nên bài Ngũ Lộ Mai Hoa Quyền nổi tiếng của môn phái Thiếu Lâm.
Nhập thần vào những thế đá khôn ngoan, bí hiểm và tinh thần quyết chiến không lui, qua quan sát các trận đá gà mà Nguyễn Lữ, anh em nhà Tây Sơn, đã sáng tác bài Hùng Kê Quyền nổi tiếng của Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Từ đó có thể nhận thức rằng ngoài yếu tố sức mạnh, võ còn là thế trận và chiến thuật mà người luyện quyền phải làm sống được cái hồn của bài quyền, giúp lĩnh hội cảnh giới huyền diệu của quyền thuật.