Home / CHUYỆN LÀNG VÕ / Giai thoại một thời oanh liệt của “ngọn cước Sáu Trừ” khiến giang hồ bạt vía

Giai thoại một thời oanh liệt của “ngọn cước Sáu Trừ” khiến giang hồ bạt vía


Thời trai trẻ, võ sư SáuTrừ chỉ bằng một cú đá ở mỗi trận đấu ông từng hạ gục nhiều tay đấm lừng lẫy. Ngay cả khi về già, ông cùng 5 người con, tả xung hữu đột suốt ba đêm ròng rã chống lại hàng trăm tên giang hồ quận 4. Sau trận đánh, cha con Sáu Trừ  khiến giới giang hồ Sài  thành bạt vía.

 Hoàng Minh/ Đời sống và Pháp luật

sau tru

Võ sư Sáu Trừ (quần đen) lấn át đối thủ trên sàn đấu

Cú đá trứ danh

Võ sư Sáu Trừ tên thật là Ngô Văn Trừ (biệt danh Phi Hùng, sinh năm 1936) người gốcSài Gòn. Ông sinh ra trong một gia đình bề thế với nền tảng võ học thâm thúy. Thời nhỏ, biết ông mê võ nên cha ông cho ông đi thọ giáo nhiều môn phái. Lớn lên võ sư Sáu Trừ nghe danh thầy Chín Hóa (tên thật là Bùi Văn Hóa) sáng tổ của môn phái Thiếu Lâm tự – Nội quyền – Tây Sơn Nhạn tại Việt Nam năm 1930, là một trong ba người có thể đánh được hổ, nên Sáu Trừ rất ngưỡng mộ. Ông bèn tìm đến võ đường của tổ sư Chín Hóa xin theo học.

Thời ấy ở võ đường của tổ sư Chín Hóa đã có các tên tuổi lừng danh võ lâm như: Ba Liễn, Ba Tốc, Ba Lai, Ba Vè, Ba Sửu, Nguyễn Văn Mách (Mười Mách) được gọi là “ngũ tam nhất thập” của môn phái. Nhờ vào cốt cách hiếm quý, lại qua rèn rũa, trau dồi tinh hoa môn phái Thiếu Lâm tự – Nội quyền – Tây Sơn Nhạn nên chỉ sau một thời gian Sáu Trừ đã làm rạng danh môn phái.

Thời điểm năm 1965, giới võ lâm khi nhắc đến môn phái của tổ sư Chín Hóa là phải kể đến “Nhất Hổ, Nhì Miêu, Tam Trừ, Tứ Tính”. Ý nói 4 cao thủ của Tây Sơn Nhạn gồm Lý Sơn Phi Hổ với lối đánh mãnh liệt như mãnh hổ vồ mồi, Tám Miêu với lối đánh khôn khéo, ru ngủ đối thủ rồi bất ngờ tung đòn như vũ bão, Sáu Trừ với ngọn cước “Bình Sa Lạc Nhạn” trứ danh của môn phái Tây Sơn Nhạn nhanh tựa sấm chớp, Tứ Tính với đòn gối bay nặng tựa ngàn cân giáng lên đối thủ. Ở đấu trường tự do thời ấy, bốn cao thủ của Tây Sơn Nhạn là nỗi khiếp sợ của các đối thủ.

Trước năm 1975, giang hồ Sài Thành nổi lên như nấm sau mưa, khiến Ngụy quyền bất lực. Giai thoại về Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái, Ba Thế, Minh “cầu Muối”, Sám Sò, Tín Mã Nàm, Hải Phùng Kiên, Bảy Sy, Chà Và Hương,…hẵn còn là nỗi khiếp sợ với dân Sài thành xưa. Ngay những người còn sống như Chà Và Hương, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm vẫn còn hừng hực trong lòng. Chà Và Hương vốn là giang hồ hảo hớn, huynh đệ chí cốt với Đại Cathay, Minh “cầu Muối”, từng một thời làm mưa, làm gió Sài Thành. Ông cũng là một cao thủ võ công biệt danh “cặp dao cạo” với cặp cùi chỏ  sắc lẹm, bất bại trên sàn đấu.

cha va huong

Võ Sư Chà Và Hương

Chà Và Hương cho biết: “Thời đó, phàm là giang hồ thì phải có võ nghệ mới trị được. Mỗi lần đánh nhau họ thường cử một đấu một, chỉ khi mâu thuẫn không giải quyết được mới kéo quân đánh nhau. Bởi thế, ai giỏi võ thời ấy được trọng dụng dữ lắm”.

Trước đây, khi nói chuyện với PV báo ĐS&PL, Chà Và Hương bảo rằng kỷ niệm không bao giờ quên đó là một lần đi chơi ông gặp đúng cao thủ võ công. “Lúc ấy, tôi trai trẻ lại có máu ngao du, giang hồ nên tâm tình cũng phong lưu lắm. Có lần tôi đến Đông Tây học đường (quận 1) chơi, gẹo gái. Mà đám con gái thời ấy thấy tôi cũng mê tít nên bắt chuyện làm quen. Bỗng đâu trên lầu có một thanh niên lực lưỡng ném cái cốc xuống nhưng chẳng may lại trúng vào vai một thiếu nữ. Tức giận tôi mới ngước lên kêu “mày làm gì đó?”. Lúc ấy, người thanh niên đáp “mày Chà Và mà cũng nói được tiếng Việt à?”. Tôi hăng máu rủ thanh niên đó xuống đất đấu một trận cho biết” – Chà Và Hương kể.

Lúc người thanh niên đó xuống, Chà Và Hương bị ngợp bởi đôi mắt quắc thước, dáng người đậm chất võ. Chà Và Hương rút dao thủ sẵn trong người ra nhưng rồi lại đưa cho bạn giữ để thể hiện khí nam nhi. Chà Và Hương thủ thế rồi lao vào rất mãnh liệt, ai ngờ thanh niên ấy quá nhanh. Chà Và Hương bị cao thủ kia quét trụ, rồi giáng một cước vào bụng ông, khiến ông ói và gục tại chỗ. Về sau, Chà Và Hương hỏi ra mới biết đó là Sáu Trừ, cao thủ của Tây Sơn Nhạn với cú đá “Bình Sa Lạc Nhạn” trứ danh.

Trận huyết chiến với giới giang hồ

Giai thoại về Sáu Trừ có kể cả ngày cũng chưa hết, giới võ thuật kể chỉ cần tiếp xúc với ông, người khong đam mê võ thuật cũng cảm giác như có ma lực. Nói như thế không phải ông ăn nói hay mà bởi những câu chuyện ông chia sẻ rất sống động và phảng phất hào khí oanh liệt của con nhà võ. Hiểu ông hơn ai hết có lẽ phải kể đến Chưởng môn đời thứ ba Tô Đình Thanh (biệt danh Xuyên Sơn Nhạn) của môn phái Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn. Võ sư Tô Đình Thanh cũng được thọ giáo sư thúc Sáu Trừ ở ngọn cước trứ danh nên ông cũng hạ gục nhiều đối thủ trên võ đài bằng ngọn cước ấy.

to dinh thanh

 

Chia sẻ với PV, võ sư Thanh cho hay: “Con cái của sư thúc Sáu Trừ cũng rất giỏi giang, nhưng chỉ tiếc sau khi nhà bị giải tỏa thì họ thất lạc bốn phương. Sư Thúc Sáu Trừ tạ thế tại quận 2 cách nay cũng đã 6 năm nhưng những giai thoại về ông còn vang mãi. Giới đồng môn chún tôi biết về ông không chỉ là thần thái võ học, giai thoại oanh liệt mà còn là một cao thủ võ học mà có tu luyện nhiều năm cũng khó mà đạt được. Khi sư thúc còn sống, tôi thường lui tới nên những giai thoại ông kể cứ in hằn trong tâm trí tôi như một tiểu thuyết võ hiệp lừng danh”.

Nét mặt của võ sư Tô Đình Thanh hiện rõ sự tự hào mỗi khi nhắc đến võ sư Sáu Trừ. Ông kể, thời trẻ võ sư Sáu Trừ từng hạ gục nhiều võ sĩ quyền anh của Tây, đồng thời cũng hạ gục nhiều võ sĩ Muay Thái của Thái Lan. Ở đấu trường tự do cùng hạng cân có thể nói võ sư Sáu Trừ là một đaị cao thủ bất bại. Không thể kể hết những chiến thắng vang dội của võ sư Sáu Trừ, nhưng một trong những trận chiến oanh liệt nhất của ông là lần diệt cả trăm tên giang hồ cộm cán náo loạn Sài thành.

Võ sư Tô Đình Thanh cho biết: “Tiếc là tôi không thể tìm gặp được những đứa con của sư thúc Sáu Trừ bởi họ mới biết ngọn ngành sự việc. Nhưng trong những lần trò chuyện với sư thúc Sáu Trừ trước đó tôi cũng biết sơ sơ về trận chiến oanh liệt của cha con ông với bè lũ giang hồ. Thời sau năm 1975, giang hồ quận 4 vẫn còn hoành hành dữ tợn. Sư thúc Sáu Trừ có 5 người con trai, một trong số đó có lần đi chơi bên quận 4 thì xích mích với giới giang hồ. Sẵn có võ nghệ, người con này đã một mình ra tay đánh gục cả chục tên giang hồ. Nhưng anh này đâu biết rằng đã đụng phải đàn em trùm giang hồ quận 4 là Lệ “què’ và Ve Sầu”.

Chỉ sau hôm đó, đám giang hồ Lệ “què”, Ve Sầu đã kéo hàng trăm tên đến bao vây nhà sư thúc Sáu Trừ. Lúc này đám giang hồ tuyên bố rằng cứ 17h chiều mỗi ngày sẽ kéo quân đến giao chiến với gia đình Sáu Trừ. Thế rồi võ sư Sáu Trừ cùng các con kẹp tập sách, quấn dây xích quanh mình làm áo giáp giao chiến. Hết đêm thứ nhất rồi đến đêm thứ hai giao chiến với hàng trăm tên giang hồ bao vây từ ba cánh mà cha con võ sư Sáu Trừ vẫn trụ vững.

Đến đêm thứ ba khi đám giang hồ tới, vợ của võ sư Sáu Trừ ra rõng rạc tuyên bố “ngã đứa nào bỏ đứa đó”, ý muốn nói nếu có đứa con nào ngã xuống thì những đứa khác phải kiên cường chiến đấu tiếp. Nghe thế đám giang hồ khiếp vía, cha con Sáu Trừ lại có thêm nhuệ khí. Đêm ấy, thủ lĩnh Lệ “què”, Ve Sầu bị cha con Sáu Trừ đánh gục tại chỗ, đám giang hồ lâu la tan tác chạy. Trận chiến khiến cả khu phố được phen ăn mừng, tung hô cha con Sáu Trừ vì đã dạy cho đám giang hồ một bài học. Về sau, đám giang hồ này nhiều tên lĩnh án tử hình vì buôn ma túy.

Lúc cuối đời, võ sư Sáu Trừ còn giành tặng võ sư Tô Đình Thanh cây côn đã đánh bại lũ giang hồ, khi ấy ông hơn 60 tuổi. Ý võ sư Sáu Trừ muốn nói với võ sư Tô Đình Thanh rằng trong sự nghiệp truyền bá võ thuật cần kiên cường, bất khuất, nếu chiến đấu vì chính nghĩa thì không bao giờ được lùi bước.

Lấy võ làm việc trượng nghĩa

Võ sư Tô Đình Thanh cho biết: “Lúc còn sống, sư thúc Sáu Trừ thường răn dạy con cháu và học trò rằng học võ để rèn luyện sức khỏe, nâng cao nhuệ khí, làm việc trượng nghĩa giúp người. Bởi thế những người con của ông dù chữ nghĩa không  nhiều nhưng rất trượng nghĩa, thấy việc bất bình chẳng tha”.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *